<May 2024>
SunMonTueWedThuFriSat
2829301234
567891011
12131415161718
19202122232425
2627282930311
2345678
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Những Kỷ Niệm với Hòa Thượng Thích Đức Niệm
Tác giả: Tỳ Kheo Thích TÍN NGHĨA

NHỮNG KỶ NIỆM VỚI

HÒA THƯỢNG THÍCH ÐỨC NIỆM

 

 Tỳ kheo Thích Tín Nghĩa

 

---o0o---

 

 

          Riêng tặng quý thầy đệ tử của cố Hòa thượng như thầy Minh Chí (đương kim Giám viện PHVQT), thầy Minh Quang (hiện đang theo học chương trình Tiến sĩ tại Ðại học đường FL.), thầy Quảng Ngộ, thầy Quảng Thiện, thầy Quảng Ðịnh và Ni sư Thích nữ Diệu Tánh, . . . * Quý đệ tử :  Diệu Hải, Diệu Hậu, Quảng Huệ, Chơn Quang, Minh Kiến, Thanh Chánh, Phước Hảo, và một số đạo hữu đã tùng học với Hòa thượng trên hai chục năm.                             

 

          Tôi đến định cư Hoa Kỳ vào ngày 19 tháng 09 năm 1979. Hòa thượng Thích Ðức Niệm đến trước tôi độ hai ba tháng gì đó. Những vị có mặt và làm việc với Giáo hội lúc bấy giờ gồm có quý Ngài: Thiên Ân, Mãn Giác, Trí Chơn, Ðức Niệm, Thiện Thanh, Nguyên Ðạt, Tịnh Từ, Trí Ðức và tôi (Tín Nghĩa). Ðây là nói về Giáo hội tại miền Nam, nói đúng hơn là tiểu bang California và một vài tiểu bang phụ cận, còn vùng Hoa Thịnh Ðốn và phụ cận, lúc đó Pháp sư Giác Ðức đang lo cho chùa Giác Hoàng, tôi không được rõ là có bao nhiêu vị.

 

            Bây giờ, tôi chỉ đi vào sự liên hệ giữa tôi và Hòa thượng Thích Ðức Niệm. Chú Tánh Thiện đón tôi từ phi trường về chùa Việt Nam. Tôi được bảo laõnh là do hai ngài Thiên Ân và Mãn Giác. Ðến chùa đúng sáu giờ tối cùng ngày. Nghỉ ngơi một đêm. Trưa mai, ngài Thiên Ân đi dạy học về, trước giờ thọ trai, ngài nói chuyện rất vui vẻ và niềm nôû làm sao. Ngài bảo :

 

           - Bây giờ Giáo hội bảo trợ thầy qua đây, trả ơn hai chúng tôi bằng cách đi làm Phật sự.

 

            Tôi chỉ dạ và mỉm cười. Hòa thượng Mãn Giác nói tiếp :

 

           - Ở Denver, họ đang cần Tín Nghĩa nhiều lắm. Ở đó đang thiếu vị Lãnh đạo Tinh thần và Trú trì.

 

            Tôi cũng cười và vâng vâng dạ dạ vậy thôi, vì mới đến Mỹ chưa được hai ngày. Giờ cơm đã đến, ngoài cổng có một vị tu sĩ trong chiếc áo nâu bạc thếch, ung dung đi vào chùa rất tự nhiên. Mới bước lên khỏi cầu thang, Hòa thượng Thiên Ân vừa cười, vừa giới thiệu cho tôi :

 

           - Ðây là Thượng tọa Ðức Niệm, tôi mời thầy qua làm Phó Viện trưởng Ðại học Ðông Phương, bữa nào khỏe mời thầy (tức là tôi, Tín Nghĩa) ghé thăm Ðại học cho biết.  

 

             Tôi cũng dạ, đồng thời quay qua thầy Ðức Niệm, tôi chấp tay cúi chào và cùng vào bàn ăn. Cơm nước xong tôi hàn huyên với thầy Ðức Niệm khá lâu, rồi thầy xin kiếu để về nghỉ trưa. Thầy bảo:

 

            - Trưa nào tôi cũng phải nghỉ một chút mới làm việc cho ban chiều và tới khuya, không nghỉ không được.  

 

             Nói xong, thầy từ từ bước xuống cầu thang. Tôi cũng không biết là thầy ở đâu nữa, vì  quá mới nên cái gì cũng xa lạ hết.

 

          Cứ thế, ngày nào Thầy cũng qua ăn cơm trưa, còn tôi thì được mấy người trong đó có anh Hồng Quang chở đi chơi cho biết đó đây. Chủ nhật đầu, tôi nói chuyện với đồng bào Phật tử chùa Việt nam, rồi sinh hoạt với Gia đình Phật tử Long hoa ; Chủ nhật kế, được ngài Trí Chơn lên đón bằng xe Bus để về nói chuyện và thăm đồng bào Phật tử chùa Vạn hạnh vùng San Diego. Ngài Trí Chơn rất chân tình và niềm nở đối với tôi, khi mời tôi về thăm chùa Vạn Hạnh, mặc dầu Thầy và tôi chỉ biết nhau lờ mờ hồi còn ở quê nhà, trên ba mươi năm. Chúng tôi đều là môn phái Tây Thiên, thuộc dòng Liễu Quán, trên nguyên tắc, Thầy là vai vế chú bác trong đạo. 

 

          Ðược mười tám hôm, tôi lên đường nhận lãnh nhiệm vu mới. Trước khi đi, ngài Mãn Giác có đãi một bữa ăn thịnh soạn. Thầy Ðức Niệm thì chúc mừng cho tôi. Tôi cũng có theo Thầy một hai lần đến nơi mà thầy thường nghỉ và làm việc. Thấy mà tội. Mang danh Phó viện Trưởng, ở cái phòng chỉ một chỗ ngủ, một cái bếp cỏn con dùng nấu nước pha trà. Còn nhà máy in là một cái Garage cũ được tạm chỉnh trang lại để  dùng in kinh sách. Ðiều đáng chú ý là số kinh sách cung ứng từ năm 1979 cho đến năm 1983 khắp đó đây đến những chùa ở hải ngoại và các trại tị nạn đa phần đều từ nơi này mà có. 

 

          Ngày từ giả, ra phi trường tiễn tôi có ngài Thiên Ân và ngài Ðức Niệm. Ra đến phi trường LAX, ngài Thiên Ân bảo :

 

          - Thầy là người đặc biệt mà tôi tiễn đưa  ra tận phi trường. Tôi chưa đưa tiễn ai bao giờ.

 

          Thầy Ðức Niệm nói thêm :

 

          - Hòa thượng nói đúng. 

 

          Riêng, ngài Mãn Giác thì hướng dẫn tôi lên tận Denver, tiểu bang Colorado để bổ nhiệm với chức vụ Lãnh đạo tinh thần Cộng đồng Phật giáo kiêm Trú trì chùa Việt nam ở đây. Phải nói rằng: Khi tôi lên Denver, hai vị gọi điện thoại hỏi thăm đủ điều cũng như khuyến khích làm Phật sự là Thầy Mãn Giác và Thầy Ðức Niệm. Có lẽ vấn đề làm việc ở xã hội mới chưa quen thuộc cũng như tâm đạo của hàng Cư sĩ tại hải ngoại từ 1975 đến ngày tôi rời Denver chưa thuần nhất, chưa nhuần nhuyễn, sự tu học và tin vào Phật pháp cũng chưa vững chắc lắm ; cứ xem vị Tu sĩ như chúng tôi là một ông từ giữ chùa không hơn không kém. Vả lại, vốn liếng sinh ngữ để nghe điện thoại hoặc đi đường cũng không có được một chữ, nên tôi phải trở về Los Angeles để có cơ duyên đi học Anh ngữ. Tôi cộng tác với Thầy Ðức Niệm từ đó.  

 

          Tôi lái xe hai ngày hai đêm về tận chùa Việt nam, vào chào Thầy Mãn Giác và rồi ra xe về trụ sở Phật học viện Quốc tế. Ngủ một đêm, sáng dậy tôi và thầy Ðức Niệm nói chuyện hơi dài, Thầy bỏ buổi học Anh văn.  

 

          Thầy nói :

 

         - Thầy về đây làm việc với tôi. Chỗ ngủ nghỉ cùng phòng ốc, bếp núc để nấu nướng thì không được thoải mái cho lắm ; nếu thầy ngủ ở phòng nầy, tôi qua chánh điện tạm thờ Phật để ngủ. Hai chúng ta nương nhau làm Phật sự.  

 

          Tôi nói :

 

          - Thầy yên tâm. Thầy cứ ngủ đây. Tôi qua bên đó. Trường hợp ai bị đau ốm, thì ngủ tại phòng nầy. Còn từ  nay về sau, chúng ta tự túc nấu ăn. Buổi sáng Thầy đi học, tôi ở nhà nấu cơm và đóng kinh sách. Chiều Thầy lo nhà in, nấu cơm chiều,  tôi đi học Anh văn ban tối. 

 

           Phật sự ngày một thêm nhiều. Thầy Ðức Niệm còn bổn phận phải lên Fresno để giảng pháp mỗi một nửa tháng. Tôi thì xuống giảng và truyền giới Bát Quan trai cho cho hàng Phật tử mỗi tháng một lần tại Trung tâm Phật giáo Huệ Quang tức chùa Huệ Quang bây giờ của Thượng tọa Minh Mẫn ở đường Bishop. 

 

          Tuy tôi làm việc và ăn ở với thầy Ðức Niệm, nhưng, mỗi nửa tháng tôi đều qua chùa Việt nam để cùng hàng Phật tử nơi đây làm lễ lạy Sám hối.

 

          Sự sinh hoạt ngày một đa dạng. Hàng phật tử ngày một thêm đông, nên thầy Ðức Niệm và tôi đều bỏ học và bắt đầu cho chương trình mới là : vừa tiếp tục in kinh sách, vừa tìm đất hoặc nhà để kiến tạo cơ sở thực sự cho Phật Học Viện Quốc tế. 

 

          Những ngày chúng tôi ở tại Los Angeles, tiền bạc rất eo hẹp. Tôi mua một chiếc xe mới từ Denver đem về, nợ nần chưa trả hết. Mỗi tháng Thầy cho $140.00 để phụ trả tiền xe. Những lúc túng thiếu, tôi thưa với Thầy là :

 

          -  Thầy để Tín Nghĩa xuống với anh Lê Viết Tấn ở Irvine, xin cắt cỏ một tuần hai ngày, trả xong xe là tôi sẽ nghỉ cắt cỏ, nhưng, dù thế nào tôi cũng phải chu tất công tác đóng kinh sách, Thầy đừng lo.  

 

          Thầy nói :

 

         - Tui mới vừa học xong, bên Tàu qua đây chân ướt, chân ráo, chẳng có gì trong tay ngoài mảnh bằng. Vả lại, bằng cấp ở Tàu đâu có xài gì được cho xã hội Tây phương này. Thầy cũng vừa từ trại tỵ nạn qua, cho nên hoàn cảnh nầy hai chúng ta đều thiếu thốn, ráng cùng nhau đều chịu thiếu thốn. Có lòng thì chư Phật, Bồ tát cũng thương, cũng gia hộ cho chúng ta, không sao đâu ? 

 

          Tuy Thầy nói và an ủi thế, nhưng, những lúc không có tiền in kinh sách, Thầy cho các chùa thỉnh luôn những chuông mõ lớn, tượng Phật lớn để có tiền mà tiếp tục theo hạnh nguyện. Tượng Phật lớn nhất hiện giờ đang thờ tại chùa Liên Hoa ở Canada, do cố đạo hữu Trịnh Minh Cầu làm Hội trưởng nguyên là của thầy Ðức Niệm. Chính bản thân chúng tôi lo đóng thùng và gởi đi. Hàng Phật tử ở Fresno thấy Thầy không có phương tiện, họ quyên góp nhau được chút đỉnh mua một chiếc xe cũ với giá $1,800.00, Thầy cũng bán và đưa vào chuyện in ấn kinh sách. Phật tử lấy làm ngạc nhiên, liền thưa hỏi :

 

          - Sao Thượng tọa bán xe, lấy gì để đi lại khi cần ? 

 

           Thầy cười, rồi nói :

 

          - Quý vị nên biết đức Phật dạy rằng: trong các vấn đề bố thí, thì bố thí Pháp là quan trọng hơn hết. Riêng Thầy thì sao cũng được. Khi cần lắm thì nhờ Phật tử nào đó có phương tiện, cùng lắm thì đi xe Bus, miễn sao có kinh sách cho hàng Phật tử trì tụng là tốt rồi, … 

 

           Có nhiều lúc Thầy nhường lại những bộ y-hậu, pháp cụ tốt cho quý thầy để lấy tiền in kinh sách. Thầy chủ trương hoằng truyền Chánh pháp và đào tạo Tăng tài lên hàng đầu. 

 

          Sau một thời gian tìm kiếm, tức là địa điểm Phật Học Viện bây giờ, hạ tuần tháng ba năm 1982, chúng tôi dời từ Los Angeles để về đây. Ngôi nhà mấy phòng dùng để cho bốn hoặc năm người ở thì tốt, dùng làm nơi tu học cho quần chúng Phật tử thì không thể được. Mọi sinh hoạt trong khiêm tốn, nhưng vẫn gặp khó khăn với lối xóm, vì toàn là người Mỹ da trắng. Những lễ lớn như Phật đản, Vu lan thì phải thuê mướn hội trường của trường bên cạnh. Số Phật tử đến sinh hoạt mỗi lúc một đông. Trong những Phật tử thân quen, thương tình khuyên bảo con cháu của họ rằng :

 

         - Nếu, những nhà chung quanh Phật Học Viện, cái nào bán thì các con mua lấy, vừa gần với gia đình, vừa giúp cho thầy Ðức Niệm khỏi bị kiện cáo lôi thôi. 

 

          Ý kiến rất hay, nên một số Phật tử dù ở xa Phật học viện cả một giờ lái xe cũng lên mua nhà gần viện. Nhờ vậy mà Thầy đã không gặp khó khăn mà lại thuận duyên khi phát triển cơ sở. 

 

          Trong tình đạo gắn bó giữa tôi và Thầy thì rất nhiều kỷ niệm từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Nhưng có hai chuyện đáng ghi nhớ nhất trong hai chúng tôi, tuy không mấy đặc sắc, thế mà mỗi lần nhắc lại là cả hai cùng ôm bụng cười. Nhơn đây tôi cũng ghi lại vài dòng để gọi là làm lưu niệm cho cuộc đời hành đạo xứ Hoa Kỳ.

 

          Số là :  Khi cơ sở mới đưa lên vùng này, chúng điệu chưa có, duy nhất có chú Ân Hạnh, đệ tử của Hòa thượng Thiên Ân cùng trú xứ. Chú nầy vì có bệnh nên kinh điển chẳng thông thuộc là bao, chỉ biết tụng kinh ngắn, đánh chuông và làm công quả lặt vặt như nấu ăn, gói kinh sách để gởi đi cho những nơi cần đến, hoặc tiếp bổn đạo dẫn vào lễ Phật trước khi gặp quý thầy, hoặc trông chừng nhà cửa.

 

           Chuyện thứ nhất : Số là hai chúng tôi, một ngày như mọi ngày, lo quét dọn vườn tược, trồng cây này bới cây kia, vun quén những luống rau mới trồng, sửa sang ngôi nhà mới mua này, những gì của thế gian biến thành cảnh thiền môn thanh tịnh. Công việc chỉ có vậy mà ngày nào cũng như ngày nào mất gần mười tiếng đồng hồ. Có khi chỉ tụng kinh ban sáng, tối lại chỉ niệm Phật chứ không đủ thì giờ. Sáng sớm tụng kinh xong, cả hai chúng tôi ra vườn làm say sưa quên cả ăn uống và cứ tưởng là có chú Ân Hạnh bên trong, nên chẳng để ý gì cho bữa cơm trưa. Ðến khi mệt liền đi vào nhà để chuẩn bị ăn cơm trưa, nào ngờ chú đi gởi sách bị lạc đường, không biết đường về. Chúng tôi kiếm thức ăn chẳng có. Thế rồi, hai chúng tôi chấp nhận ăn mì gói với rau đã trồng sẵn. Bữa ăn ngon lành làm sao, chúng tôi mỗi người ăn hết bốn gói mì và cộng thêm rau sống. Ăn uống xong là hai giờ chiều, rồi đi ngủ và ngủ li bì cho đến ba giờ sáng hôm sau. Cả hai đều khát nước không thể tả và no luôn gần như cả ngày kế. Cho nên mỗi khi nói đến chuyện ăn mì gói là đều cười ngất và cũng không thể nào ăn hai gói rưởi chứ nói gì đến bốn gói như dạo ấy. 

 

           Chuyện thứ hai :  Nhà mua xong, trả nợ được tám tháng. Kinh tế bắt đầu eo hẹp. Tiền nhà tháng kế tiếp không tài nào có đủ. Hỏi mượn quanh thì ai cũng bảo là đang kẹt. Số tiền thiếu độ ba trăm Mỹ kim. Túng thế, liền khui thùng phước sương. Tay Thầy bưng thùng tiền thì nghe tiếng kêu toàn lẻng kẻng, nên cả hai nhìn nhau, rồi tôi liền ra cửa trước để trông chừng khách khứa ra vào, Thầy mang thùng phước sương vào phòng để đếm tiền cắc. Gần một tiếng đồng hồ, Thầy đi ra với khuôn mặt vui và nói :  Dư rồi thầy Tín Nghĩa ơi, đừng lo !  Và cả hai cùng cười.

 

          Cá nhân tôi thì không nói, nhưng, tôi cười và tội cho thân phận của Thầy, một người có học vị thật sự với văn bằng Tiến sĩ, lại chơn tu, giới thể châu viên; thế mà khi ra làm Phật sự cũng không phải là chuyện dễ dàng. 

 

          Có cơ sở xong, Thầy và tôi nghĩ ngay đến vấn đề đào tạo Tăng tài. Chúng điệu bắt đầu có khoảng năm đến bảy vị, Thầy làm Giám đốc, tôi làm Giáo thọ Tăng ni sinh của Viện. Chương trình tu học ở đây tiến đều, đặc biệt là phần kinh luật rất khá. Khi thọ giới, Giới tử tụng luật tiểu Trường hàng thuộc lòng đến độ hàng Thập sư và Tuyên luật sư phải tấm tắt khen. Tháng ba năm 1982, Thầy đi Âu châu cũng như các chùa tại địa phương để thăm và cung thỉnh chư tôn đức vào những ngôi vị Thập sư, chuẩn bị cho Ðại Giới Ðàn đầu tiên, lớn nhất tại hải ngoại, được khai thị tại Phật học viện Quốc tế. Ðại giới đàn mang tên vị Cao Tăng Thiện Hòa, Thầy làm Chánh chủ đàn, tôi làm Trưởng ban điều hành kiêm Công văn (Hiện Kỷ yếu còn lưu lại tại Viện). 

 

           Cũng trong bổn phận và trách nhiệm hoằng truyền Chánh pháp, cũng như phát triển cơ sở, tôi đến vùng Dallas, tiểu bang Texas để vận động thành lập Tổ Ðình Từ Ðàm Hải Ngoại vào tháng 10 – 1983, Thầy đã cố vấn và tận tình giúp đỡ về mọi mặt. Thầy đã từng hy sinh quyền lợi của phần mình để giúp cho Từ Ðàm Hải Ngoại trong những khó khăn lúc ban đầu về mặt tài chánh. Từ đây, tôi và Thầy đều có cùng một trách nhiệm riêng mà đường lối sinh hoạt thị hỗ tương cho nhau. Những công tác Phật sự chính như thành lập Giáo hội hoặc những đại lễ Phật đản, Vu lan đều có nhau. Phải thành thật mà nhìn nhận một điều, kể từ khi thầy Ðức Niệm có mặt tại hải ngoại, không một Phật sự nào mà Thầy bỏ sót, đặc biệt là đường hướng của Giáo hội. Thầy đóng góp một cách tích cực từ vật chất đến tinh thần và đóng góp tối đa. Tôi còn nhớ mãi lần đầu tiên Thầy đến thuyết giảng và Chứng minh Ðại lễ Phật đản năm 1984 tại Tổ đình Từ Ðàm Hải Ngoại. Lúc ấy, Từ Ðàm chỉ là một ngôi nhà cũ, không có phòng ngủ, không có phòng tắm. Tôi phải gởi Thầy đến một nhà Phật tử để ngủ qua đêm và có phương tiện cho bản thân. Thầy chỉ ngủ một đêm, qua đêm sau, Thầy ở lại với tôi và chấp nhận chịu mọi sự thiếu thốn như tôi. Thầy phải ngủ dưới thảm không có nệm, không có nước nóng, không buồng tắm; tôi rất ái ngại, nhưng Thầy rất hoan hỷ và Thầy còn nói :

 

          - Tôi chịu đựng quen rồi. Nhờ sự chịu đựng đó mà những năm tôi học ở bên Tàu, khỏi nấu nướng mới có thì giờ theo học chương trình Cao học và Tiến sĩ. 

 

            Theo tôi nghĩ :  Có lẽ Thầy thương hoàn cảnh của tôi lúc ấy thì phải, nên Thầy nói ra như vậy để tôi yên lòng hoặc Thầy an ủi để tôi có nghị lực một phần nào mà tiến tu và dõng mãnh mà lo cho ngôi nhà Phật pháp thì đúng hơn. Tôi không thấy một vẻ gì buồn hiện lên nơi khuôn mặt hiền hậu và phúc đức ấy. Cũng may, mùa Phật đản và Vu lan đều là mùa hạ, khí trời của vùng Texas nóng nhiều hơn lạnh.

 

            Hạnh nguyện độ sanh và trách nhiệm với Phật pháp đang trên đà hanh thông, Thầy thọ bệnh. 

 

Vào trung tuần tháng 12 – 2001, vừa đi tụng kinh công phu sáng xong, tay bưng tách trà đi quanh để nhìn cây cảnh, tiếng chuông điện thoại lại reo lên, tôi nhấc ống nghe, đầu dây nói tiếng của Sư cô Diệu Tánh báo cho hay là :

 

            - Thầy con vừa mới vào bệnh viện, con tin cho thầy hay để thầy cầu nguyện cho Thầy con.

 

            Hai thầy trò nói chuyện với nhau chưa được mấy phút, Sư cô xin gác máy để lo những chuyện cần thiết trước khi vào chăm sóc cho thầy Ðức Niệm tại bệnh viện.           

 

            Tôi biết Thầy bệnh từ lâu rồi, nhưng, những tưởng là được gặp thầy, gặp thuốc. Tôi gọi điện thoại cho anh Bùi Ngọc Ðường để hỏi thăm bệnh tình của Thầy ra sao. Anh trả lời :           

 

            - Thấy Thầy tuần trước có hơi mệt, nhưng vì tuần này có mấy việc cần làm cho bản tin của Ban Bảo trợ phiên dịch Pháp tạng Việt nam nên tôi chưa lên viện được. Có chi, chút nữa tôi chạy lên xem, về gọi cho thầy hay sau.           

 

             - Như vậy, anh vẫn chưa biết Thầy đi bệnh viện ?           

 

             - Dạ, chưa.           

 

            - Bây chừ anh theo dõi tin tức, có gì anh gọi cho tui hay với. Có lẽ, tui cũng sắp đặt và về với Thầy vài ngày.           

 

             Thế rồi, tôi và anh Ðường đều gác máy và ai lo phận sự nấy.           

 

             Tuần kế, tôi quyết định lấy vé và bay về Phật học viện Quốc tế để biết rõ tình cảnh ra sao. Anh Ðường đến phi trường Burbank chở thẳng tôi vào tận bệnh viện. Vừa bước vào là Thầy đã cảm động và cả hai đều chảy nước mắt. Chúng tôi không chịu đựng được và sợ Thấy quá xúc động làm cho mệt thêm, nên chúng tôi tìm cách ra ngoài một lát. Bốn mươi lăm phút sau, chúng tôi đi vào ngồi bênh cạnh Thầy gần hai tiếng đồng hồ; sau đó, về viện. Tôi ở lại được mấy hôm, thấy Thầy có vẻ khá, tôi xin trở lại Từ đàm. Khi tôi rời khỏi bệnh viện thì Thượng tọa Tịnh Từ lái xe từ Tu viện Kim sơn về thăm. 

 

           Bác sĩ quyết định mổ cái bướu trong gan, nhưng, Thầy từ chối và chỉ chữa bằng thuốc. Bệnh tình thuyên giảm, Thầy trở lại Viện, tiếp tục dưỡng bệnh. Bệnh tạm khá, tôi qua thăm và ở lại gần cả tuần. Trong lần này, tôi thưa Thầy nên tổ chức giỗ Tổ Liễu Quán (đây là lần giỗ Tổ thứ hai tại Hoa kỳ, lần đầu tại Từ đàm Hải ngoại), vì không thể lên chùa của thầy Vân Ðàm ở Falls Church, tiểu bang Virginia được. Lý do, lúc nầy vấn đề khủng bố đang xảy ra trầm trọng, sự di chuyển khó khăn và có phần nguy hiểm. Và, trong ngày Giỗ Tổ, Thầy tổ chức luôn Ðại lễ an vị chư tôn tượng Phật và Bồ tát tại Tân chánh điện mới rất trọng thể và đông đảo quần chúng Phật tử, mặc dầu mới hoàn tất chương trình xây cất được ba phần tư công tác. 

 

            Tôi và Thầy hay trao đổi cho nhau những tâm tình Phật sự của Viện, của Từ Ðàm và của Giáo hội.  

 

            Tôi biết Thầy có bệnh Tiểu đường, đi đâu, Thầy cũng lè kè những bình thuốc do đệ tử chưng nấu hẳn hoi để mang theo mỗi khi đi diễn giảng các hội Phật giáo xa xôi khắp Hoa kỳ và Candada. Không một đơn vị nào dù là trong hay ngoài Giáo hội, dù là nhỏ hay lớn, một khi đã cung thỉnh Thầy về thuyết giảng, chứng minh mà Thầy không tận tình trong nhiệm vụ Sứ giả Như lai, của một bậc Sư trưởng, một nhà dìu dắt đầy chân tình và tận tụy. Ði đến đâu, Thầy cũng khuyến tấn đàn hậu học dù xuất gia hay tại gia, phát tâm tu học, hướng về con đường mà Giáo hội từ ngàn xưa đã gầy dựng, xiển dương và duy trì. 

 

          Hình ảnh của Thầy đi đến đâu là ban rãi tình thương đến đó. Những ai đã được gặp Thầy một lần, thì bằng mọi cách cũng tìm về Phật Học Viện để xin cận kề học hỏi.  

 

           Những lần Ðại hội sơ khởi để thành lập Giáo hội, hay là sau khi đã được hình thành, nếu chọn Phật Học Viện làm nơi hội họp, thì Thầy lo lắng và phục vụ hết mình từ vật chất đến tinh thần. Thầy nghe chư Tăng cung tựu là Thầy vui vẻ, giống như mở hội chính trong lòng. Thầy tận tình chăm sóc, hỏi han từng vị một, cho dù Tăng hay Ni, lớn hay nhỏ. Riêng mối thâm tình keo sơn giữa Hòa thượng Hộ Giác và Thầy nối dài từ quê nhà ra hải ngoại thì không nói. 

 

           Thầy đã cư xử, đối đãi với chư tôn đức, dù sơ giao hay thâm giao, thường hay nhường chỗ nằm nghỉ thường nhật của mình cho các vị lớn trong đó có hai vị thường lấy làm cảm động và hay tâm sự với tôi: đó là Hòa thượng Thắng Hoan và thầy Thiện Trì. 

 

          Hai vị, mỗi khi trà đàm với tôi, đều nói :

 

         - Ông cụ Ðức Niệm cứ nhường chỗ nằm của cụ để mình ngủ nghỉ, thấy ngại quá. Chúng tôi từ chối. 

 

          Nhưng Thầy nói :

 

          - Quý Ngài về đây thành tâm chung lo Phật sự và hết lòng xây dựng Giáo hội, xiễn dương Chánh pháp, phục vụ quốc gia dân tộc là quý lắm rồi. Chúng tôi phục vụ các ngài có sao đâu. Miễn sao các ngài hoan hỷ. 

 

           K t khi Thy lâm trọng bnh gần một năm rồi, cách một hoặc hai tháng, tôi lại về với Thầy một lần và mỗi lần như thế cả tuần l. Những lúc Thầy có sức khỏe tương đối, tôi cùng Thầy thường hay đi bách bộ có khi thì trong vườn thiền của Phật Học Viện, có khi đi xa hơn ra ngoài đường phố để tâm sự với nhau về những Phật sự đã làm trong những ngày sống đời xa xứ. Thầy thường bảo : 

 

          - Nếu tôi được bình phục, bằng mọi cách, tôi sẽ tạo dựng một cơ sở tương đối khá lớn hơn Phật Học Viện hiện nay để cúng dường cho Giáo hội làm cơ sở, văn phòng sinh hoạt được tốt và thuận duyên hơn. Những Ðại lễ mà đặc biệt là Phật đản, Ðại hội, v.. v… cũng dễ dàng cho Giáo hội. 

 

          Nghe Thầy nói, tôi lấy làm cảm động và hồi tưởng lại những ngày đầu, chư tôn đức Tăng Ni, không phân biệt tông phái, môn phái, đã vâng Giáo chỉ của đức Tăng Thống Ðại lão Hòa thượng Thích Ðôn Hậu, về dự phiên họp đầu tiên để thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ - Làm lễ Tưởng niệm cố Hòa thượng Thích Ðôn Hậu - Ðại hội Thường niên Một, nhiệm kỳ I - Ðại hội Khoáng đại Tám do Giáo hội Mẹ phó thác đều cử hành tại Phật Học Viện. 

 

          Những chi phí căn bản cho những Ðại lễ hoặc Ðại hội, tuy nói là Giáo Hội lo liệu, nhưng thật ra, Thầy gánh vác tất cả. Chính tờ báo Phật giáo Thống nhất cũng vậy. Ðiều nầy, tôi biết rõ và rất rõ. Và, chư tôn Thiền đức đều thấy. 

 

          Cơn bệnh trầm trọng của Thầy khoảng hơn một năm lại tái phát. Thầy vừa vào bệnh viện lần thứ hai chưa được hai hôm thì tôi đã có mặt bên giường bệnh cùng Thầy. Tôi cầm tay Thầy và nói những câu  chuyện vui để cho Thầy có thể quên đi cái đau và quên đi một phần nhỏ lo lắng trong cái lo lắng bao la mà cuộc đời Thầy đang gắn bó với Ðạo pháp và Quê hương . 

 

          Thân bệnh mà tâm không bệnh. Thầy vẫn cố gắng dạy đồ chúng và vẫn hướng dẫn thợ thuyền làm cho xong chương trình xây cất Tân chánh điện cũng như dựng các tôn tượng Phật A Di Ðà và Di Lặc trong khuôn viên của Viện. Thầy rất mong được chứng kiến và được tự thân dự làm lễ An vị. 

 

          Bệnh tình tái phát khá trầm trọng. Thầy vào bệnh viện trở lại trước tết Quý mùi. Chư Tôn Giáo Phẩm và hàng Phật tử rất lo ngại. Tăng chúng của Viện cũng như anh Ðường báo cho tôi biết là Hòa Thượng bệnh nặng lắm. Bác sĩ bảo chỉ vài ngày nữa. 

 

          Tôi thưa với anh Ðường : 

 

          - Bây giờ chỉ biết cầu nguyện. Ngoài tha lực của Phật thì không cách nào hơn. Chúng ta mong cầu làm sao để Hòa thượng qua khỏi đêm Giao thừa là quý rồi.

 

           Anh Ðường nói :

 

          - Tôi cũng mong như vậy. 

 

           Tôi thành tâm cầu nguyện trước Phật đài; đồng thời, tôi cũng sắp đặt việc chùa và thưa trước với Phật tử của Từ đàm là :

 

           - Hòa thượng Ðức Niệm có thể hầu Phật bất cứ lúc nào. Thầy mua sẵn vé trong tay. Nếu Ngài đi ngoài Tết thì quý. Giá như Ngài đi trong tết thì quý vị theo Sư cô Trú trì mà chu tất mọi việc. Thầy phải qua Phật Học Viện để lo liệu. 

 

            Hàng Phật tử của Từ Ðàm chỉ biết y giáo phụng hành. 

 

           Qua khỏi Tết, rồi qua khỏi rằm Thượng nguyên Quý mùi, lòng tôi mừng khấp khởi. Mua vé về với Thầy và ở lại gần tuần. Trong rằm tháng hai, tôi hướng dẫn đồ chúng của Phật học viện lạy Thù ân, sám hối và tụng Lương hoàng Sám pháp để hồi hướng cho Thầy. Trước khi tụng, tôi thưa với Thầy rằng : 

 

          - Nếu, trong ngày Rằm này, Thầy xả bỏ báo thân để về với Phật thì tốt, nhưng, nếu Thầy nhắn nhủ và thị hiện điều gì thì đến ngày 19 tháng hai, vía Bồ tát Quán Thế Âm, Thầy hầu Phật cũng được.  

 

           Thầy cười vui vẻ.

 

           Hằng ngày, tụng kinh bái sám cầu nguyện cho Thầy, nhưng cũng trực tiếp sám hối cho chính mình và ở luôn bên Thầy cho đến giờ thầy ra đi. 

 

           Cách ngày vía Quán Thế Âm, thấy thần sắc của Thầy vui và khỏe hẳn ra, tôi định đổi vé trở lại Dallas để làm lễ. Vé chưa kịp đổi thì chiều ngày 17, Thầy có vẻ như yếu và muốn ra đi, tôi mặc áo và ngồi suốt bên Thầy.

 

          Thầy bảo thì thào :

 

          - Mặc áo hậu và đỡ tôi ngồi dậy cho trang nghiêm để nghe chư Tăng hộ niệm.

 

          Thầy ngồi rất nghiêm trang, vừa nghe chư Tăng hộ niệm vừa đưa mắt nhìn từng vị một. Trong đêm 17 âm lịch nầy, có một lúc Thầy bảo :

 

          - Cho Thầy ăn uống một tí gì đi. 

 

          Cô Diệu Tánh lấy muỗng đút cho Thầy ăn chút bánh bông Lan và uống nước ngọt.

 

           Trong lúc đang ăn, tôi hỏi :

 

           - Sao, Hòa thượng ăn thấy ngon không ?

 

            Thầy cười và gật đầu. Tôi nghiêng tai nghe Thầy nói :

 

           - Ngon. 

 

           Tôi cười to và Ðại chúng cùng cười lên. Lúc ấy, ai nấy đều thấy cõi lòng của mình vui chi lạ. Và, hình như không thấy ở nơi Thầy có một cử chỉ đau nhứt nào. Khuôn mặt hiền hậu, dễ thương. 

 

           Có lẽ, những giây phút trong đêm 17, là ngọn lửa bùng cháy sáng rực lên lần cuối trước khi vĩnh viễn không còn được cháy sáng nữa. Suốt ngày 18, Thầy yếu dần nhưng vẫn tỉnh thức. Tôi và anh Ðường cứ theo dõi và chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng công bố.  

 

          Trong ngày 18 âm lịch, đúng 11 giờ, Hòa thượng Mãn Giác, từ chùa Việt Nam lên Phật Học Viện để gặp Thầy lần cuối cùng. Rất dễ thương trong những giây phút gặp gỡ giữa Hòa thượng Mãn Giác và Hòa thượng Ðức Niệm. Hòa thượng đến rất bất ngờ, làm tôi cũng bối rối. Tôi cho gọi môn đồ của Viện, y hậu chỉnh tề, đảnh lễ Hòa thượng Mãn giác, trước khi đưa Ngài vào thăm.  

 

          Tôi hướng dẫn Hòa thượng Mãn Giác vào bên giường, Hòa thượng Ðức Niệm, chấp tay xá và ngài Mãn Giác nói :

 

          - Nghe thầy bị đau, thầy ni lên thăm.  

 

          Tôi đưa tay nắm tay Hòa thượng Mãn Giác để lên tay của Hòa thượng Ðức Niệm. Tay trong tay và bốn mắt nhìn nhau, không ai nói với ai câu nào. Hòa thượng Mãn Giác thì nước mắt lưng tròng, Hòa thượng Ðức Niệm thì niệm Phật thì thào qua hơi thở không được đều lắm. 

 

           Sau gần một giờ thăm viếng, tôi tiễn đưa Hòa thượng Mãn Giác ra xe. Trước khi ra về, Hòa thượng có nhắn nhũ dạy bảo cho môn đồ của Viện những điều rất chân tình. 

 

           Tôi lại trở vào và bắt ghế ngồi bên cạnh Thầy, miệng niệm Phật, mắt đưa về khuôn mặt của Thầy để theo dõi từng phút, từng giây. Hơi thở của Thầy khi dài, khi ngắn, khi thì thông suốt, khi thì mệt nhọc. Hai mắt bắt đầu nhắm nghiền lại. Chốc chốc lại hé ra như muốn nhìn hay nói lên một điều mà không thể làm được. Chúng tôi cũng chỉ biết niệm Phật và nhìn trở lại. 

 

          Vào khoảng hai giờ rưỡi chiều, ngày 18, Ðại lão Hòa thượng Thích Tâm Châu từ Los Angeles lên thăm. Hòa thượng, đến đột ngột và tôi cũng bối rối, nhưng tất cả đều thông cảm cho nhau. Hòa thượng theo tôi vào tận giường của Thầy để thăm.

 

           Hòa thượng Tâm Châu nhìn và niệm Phật, đồng thời, Ngài bảo :

 

          - Thôi thì hết duyên độ sinh thì về với Phật.  

 

          Hòa thượng nói đến đó, và liên hồi niệm Phật độ hai mươi phút, ngài từ giã trước khi ra về, ngài còn nói thêm :

 

          - Có Tín Nghĩa ở đây thì tôi yên tâm. Bây giờ tôi về trở lại trên Los. Có gì Thượng tọa cho tôi hay. 

 

           Tôi dạ và tiễn Hòa thượng lên xe, rồi cũng quay trở lại với Thầy. 

 

           Cái dễ thương đặc biệt của hai Hòa thượng là :  Vị nào cũng gọi điện thoại trước khi lên Viện thăm Thầy, nhưng, không được. Vì trong giây phút sau cùng nầy quá sức bối rối, cho nên không ai nhận điện thoại hoặc điện thoại bận. Thế nhưng, nhị vị Hòa thượng vẫn bảo thị giả lấy xe chở đi.  

 

          Hai Ngài cũng có chung một ý nghĩ như nhau là :

 

         - Con cứ chở thầy lên thăm Hòa thượng Ðức Niệm đi. Nếu không vào thăm được, đứng ngoài phòng nhìn vào, Thầy cũng đủ yên tâm lắm rồi. 

 

          Bởi thế, khi có các vị vào cho tôi hay là có Hòa thượng lên, tôi chạy ra là các Ngài đã ngồi đợi bên ngoài rồi.  

 

         Gần tám giờ tối, đêm 18, tôi cho gọi hết đồ chúng và cung thỉnh nhị vị Hòa thượng Trí Chơn, Huyền Dung cùng vào và đồng thanh niệm Phật. Câu Nam Mô A Di Ðà Phật vang lên cả gian phòng. Không ai nói năng gì chỉ chuyên một lòng niệm Phật và chăm chú vào Thầy. Hơi thở dồn nhanh dần và có những lúc như dứt khoảng.

 

          Tôi, thầy Minh Chí, Sư cô Diệu Tánh đồng ghé vào tai Thầy để nói :

 

          - Hôm nay là ngày 19 tháng hai, vía của Bồ tát Quán Thế Âm, Thầy về với Phật là rất tốt.  

 

          Nhị vị Hòa thượng thức suốt đêm hôm đó. Ðồng hồ vừa điềm hai giờ sáng, của ngày vía, Thầy trút hơi thở và vĩnh viễn xả bỏ tấm thân nhỏ bé vô thường để về cảnh giới thường tịch trong tiếng niệm Phật của Ðại chúng.  

 

          Tôi đã trực diện từ đầu đến cuối sự ra đi thanh thản của Thầy. Thoải mái, an nhiên, hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi cơn bệnh trầm trọng của Thầy. Tôi rất cảm phục. Tuy thế, lòng tôi vẫn đau buồn thương tiếc. Ðể gói lại những sự liên hệ giữa tôi và Thầy, tôi có những câu thơ mộc mạc gởi đến Thầy : 

 

            Chúc Thầy thanh thản, an nhiên,

 

            Tây phương Thánh cảnh là miền an vui,

 

            Thầy nay mây trắng lưng trời,

 

            Còn tôi ở lại, đầy vơi hồng trần.

 

            Di Ðà trì niệm chuyên cần,

 

            Mong ngày tái ngộ tri âm cùng Thầy.           

 

          Ðám tang của Thầy được Giáo hội tổ chức trọng thể. Ðây là đám tang lớn nhất xưa nay tại hải ngoại kể từ khi có làn sóng vượt biển 1975.

 

        * * * * *

 

1Hiện Tình Phật Giáo Việt Nam. Thích Tín Nghĩa
1Chú Đại Bi Lược Giải . Thích Tín Nghĩa
1Cốt Tủy Nghi Lễ Phật Giáo . Thích Tín Nghĩa
1Từ Đàm Quốc Nội Quốc Ngoại . Thích Tín Nghĩa
1Trúc Lâm Thiền Phái Tại Huế . Thích Tín Nghĩa
1Nghi Thức Chẩn Tế Cô Hồn . Thích Tín Nghĩa
1Hiền Lương Chí Lược Tân Biên . Thích Tín Nghĩa
1Thiền Môn Văn Điệp (Hán Văn) . Thích Tín Nghĩa
1Kỷ Yếu Khánh Thành và Đại Hội. Tín Nghĩa
1Kỷ Yếu Tổng Vụ Cư Sĩ. Tín Nghĩa
1Tưởng Niệm Ôn Mật Hiển. Tín Nghĩa
1Trúc Lâm Thiền Phái Thi Tập. Thích Tín Nghĩa
1Nghi Thức Tụng Niệm Đặc Biệt . Thích Tín Nghĩa
1Nghi Thức Phổ Thông. Tín Nghĩa
1Nhơn quả. Thích Tín Nghĩa
1Tổ Liễu Quán. Thích Tín Nghĩa
1Ba ngày rằm. Thích Tín Nghĩa
1Tách trà còn nóng. Thích Tín Nghĩa
1Đạt Ma Huyền Trang. Thích Tín Nghĩa
1Pháp khí và Pháp phục. Thích Tín Nghĩa
1Những Bước Chân Đi Qua. Thích Tín Nghĩa
1Vulan nghĩ về Đấng Sinh Thành Thích Tín Nghĩa
1Tình pháp lữ giữa tôi và HT Thiện Trì. Thích Tín Nghĩa
1Những kỷ niệm với HT Thích Đức Niệm. Thích Tín Nghĩa
145 Ngày Du Hóa Âu Châu. Thích Tín Nghĩa
1Ảnh Hưởng Thiền với Văn Hóa Dân Tộc Việt Nam. Thích Tín Nghĩa
1Những Dấu Mốc Trong Hơn Nửa Thế Kỷ Qua. Thích Tín Nghĩa
1Mấy Mùa AN CƯ . Thích Tín Nghĩa
1Một Kỷ Niệm Khó Quên Với, Ôn Huyền Quang . Hậu học, Thích Tín Nghĩa
1 Ôn Già Lam . Điều Ngự Tử, Thích Tín Nghĩa
1Hình ảnh, Thích Tín Nghĩa
1An Cư là Một Tuyệt Tác của Tăng Già Hòa Hợp và Thanh Tịnh Điều Ngự Tử, Thích Tín Nghĩa
1 Chiếc Xe Đạp - Điều ngự tử Tín Nghĩa
1TU - Điều ngự tử Tín Nghĩa
1 Kỷ Yếu Cư Sĩ và Sự Thật Vùng Đất La Vang  Điều ngự tử  Thích Tín Nghĩa
1 Những Vần Thơ Xuân    Điều ngự tử  Thích Tín Nghĩa
1Những Tác Phẩm    Điều ngự tử  Thích Tín Nghĩa
1Nguồn Gốc Về Nguồn   Thích Tín Nghĩa
1Vu Lan nhớ về :  Thần Lực Chúng An Cư Thích Tín Nghĩa
1Tình Pháp Lữ :  TÍN NGHĨA - TRÍ HIỀN :Thích Tín Nghĩa
1Lần Đầu Tiên Đến Xứ Úc: Điều Ngự Tử Tín Nghĩa
1 Bóng Thời Gian: Điều Ngự Tử Tín Nghĩa
1 Hòa Thượng Xe Bus: Điều Ngự Tử Tín Nghĩa
1 Một Chữ: Điều Ngự Tử Tín Nghĩa

 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Hai Câu Chuyện Rất “Thương Tâm”
Phật Đản Miền Đông Bắc Hoa Kỳ
Một Đạo Tràng Bố Tát Đặc Biệt
Đi Quanh Một Vòng Với Các Đạo Tràng An Cư – 2021
Mùa Xuân Tân Sửu – 2021
Thông Báo Mới Của CDC Chỉ Có 6% Số Người Tử Vong COVID -19 . . . .
Vu Lan 2564-2020 Nhớ Ơn Nhị Vị Hòa Thượng “Đức Niệm và Mãn Giác”
Luận về : Cái Chết Nguyên Con
Có Những Cái Chết
Thông Điệp Của Sự Hạnh Phúc
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
3150303
Có -690 Khách Đang Online